Lượt xem: 242

Gặp những cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

Trở lại với cuộc sống đời thường sau những năm tháng phục vụ trong quân ngũ, nhiều cựu chiến binh tại huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, vượt qua mọi khó khăn, thách thức vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng thành công các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, cho thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm. Họ là những tấm gương sáng để mọi người học tập và noi theo.

    Có dịp ghé thăm mô hình sản xuất của cựu chiến binh Sơn Thái Bình, ở ấp Trung Bình, xã Tuân Tức, huyện Thạnh Trị, được anh bỏ công gầy dựng hơn 5 năm nay, chúng tôi thật sự ấn tượng với mô hình vườn - ao - chuồng trên diện tích rộng hơn 5 công đất của gia đình. Giữa cánh đồng lúa rộng lớn đang chín vàng là những cây dừa, cây thanh long, ao nuôi cá, trại nuôi bò và rau các loại…


Mô hình chăn nuôi của CCB Sơn Thái Bình (người bên phải). Ảnh Huy Minh

 

    Anh Bình chia sẻ về những ngày đầu cải tạo mô hình: “Khu vườn này tôi chuyển từ đất trồng lúa sang mô hình nông nghiệp tổng hợp. Ban đầu tôi trồng dừa, rau diếp cá và rau muống. Sau đó rau diếp cá được giá thì tôi chỉ trồng rau diếp cá. Trong ao, tôi nuôi cá vồ, cá lóc, cá thác lác, cá trê…. Sau 2 năm, tôi mua thêm bò về nuôi. Tôi thấy nuôi cá kinh tế ổn định hơn nên tôi ưu tiên đầu tư nuôi cá”.

    Khi bắt đầu triển khai mô hình, anh Bình được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Ngoài ra, anh được tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất. Để đảm bảo duy trì phát triển mô hình, anh Bình chọn cách sản xuất “lấy ngắn nuôi dài”. Hiện nay, với trên 200 cây dừa, mỗi tháng anh thu trái bán được trên 3 triệu đồng. Những chỗ đất trống, anh tận dụng trồng thêm bầu, bí… Nguồn thu nhập này, bên cạnh dành trang trải cuộc sống gia đình, cho con học tập, anh đầu tư nuôi cá, bò, trâu, trồng thanh long…

    Ngoài thu nhập từ mô hình vườn - ao - chuồng, cựu chiến binh Sơn Thái Bình còn có thêm nghề xây nhà. Từ mô hình vườn - ao - chuồng kết hợp làm nghề xây nhà, thu nhập của gia đình anh Bình khoảng 300 triệu đồng/năm. Cuộc sống của gia đình anh cũng từ đó vươn lên ổn định.

    Còn anh Nguyễn Văn Thương, cựu chiến binh ở ấp Tân Định, xã Tuân Tức thì thành công với mô hình trồng lúa, chăn nuôi bò, gà… kết hợp với sản xuất, kinh doanh nước lọc đóng chai.

    Rời quân ngũ năm 1988, anh Thương trở về quê nhà lập gia đình, phát triển kinh tế. Khởi đầu với 7 công đất được gia đình 2 bên cho cùng với chăn nuôi vịt, lợi nhuận thu được, anh Thương dùng mua thêm đất ruộng, dần mở rộng sản xuất. Với ý chí làm giàu trên mảnh đất quê hương mình, anh Thương mạnh dạn đưa khoa học kỹ thuật mới vào trồng lúa, từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cao.

    Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thương chia sẻ, sau khi chia cho các con đã có gia đình ra ở riêng, hiện tại còn 95 công đất ruộng và sống cùng con trai út, mỗi năm sản xuất 3 vụ lúa, thu nhập vài trăm triệu đồng. Riêng vụ vừa rồi, trồng giống lúa OM18 và OM5451, đạt năng suất 1 tấn/công. Với giá lúa ở mức cao 9.700 đồng/kg, thu lời từ 5 - 6 triệu đồng/công. Ngoài ra, Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thương còn có thu nhập thường xuyên vài triệu đồng mỗi tháng từ chăn nuôi gà, bò thịt…

    Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thương nhấn mạnh: “Về khoa học kỹ thuật thì trên báo, đài, mạng internet có rất nhiều và dễ tiếp cận, quan trọng là mình có chịu học hay không. Ngoài ra, tôi tham gia các hội thảo, lớp tập huấn, được kỹ sư chỉ dẫn, sau đó rút kinh nghiệm và làm thành công”.

    Không dừng lại ở đó, hiện tại, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thương còn mở thêm nghề sản xuất, kinh doanh nước lọc đóng chai, đóng bình. Mỗi ngày, ông sản xuất 300 thùng nước lọc loại 20 lít và nước đóng chai khoảng 100 lốc, bán tại địa phương. Ông ước tính sau khi trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/tháng.


CCB Nguyễn Văn Thương (đứng giữa) thành công sản xuất, kinh doanh nước đóng chai. Ảnh Huy Minh

 

    Đồng chí Lê Thanh Tòng - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Thạnh Trị thông tin, đây đều là những mô hình làm kinh tế hiệu quả bền vững của hội viên cựu chiến binh của huyện, với mức doanh thu mỗi năm đạt trên 300 triệu đồng. Điểm sáng của mô hình là các hội viên đã tận dụng đất đai, ao mương vườn để đa dạng nguồn thu nhập. Đặc biệt là khả năng sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thương và Sơn Thái Bình cũng là hai hội viên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi nhiều năm liền. “Phong trào hội viên cựu chiến binh sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo đã trở thành một trong những động lực lớn để thúc đẩy hội viên phát huy truyền thống, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ để xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Mục tiêu đến năm 2027, tỷ lệ hội viên cựu chiến binh khá giàu chiếm trên 68%”. Đồng chí Lê Thanh Tòng nhấn mạnh thêm.

    Tại huyện Thạnh Trị nói riêng và tỉnh Sóc Trăng nói chung, phong trào cựu chiến binh làm kinh tế giỏi đang lan tỏa mạnh mẽ. Hiện tại, có rất nhiều hội viên cựu chiến binh nêu cao tinh thần vượt khó, sáng tạo, giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nỗ lực vươn lên làm kinh tế, xây dựng được cơ ngơi khang trang, sở hữu nhiều diện tích đất ruộng, chủ vườn cây ăn trái, hợp tác xã, cơ sở sản xuất - kinh doanh, là tấm gương sáng để mọi người học tập và noi theo./.

Huy Minh



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 55
  • Hôm nay: 7556
  • Trong tuần: 79,058
  • Tất cả: 11,791,745